HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong các năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Triển khai có hiệu quả công tác phân loại chất thải tại nguồn; giám sát chặt chẽ hoạt động xả nước thải của các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có lưu lượng xả khí thải, nước thải lớn ra môi trường; doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để kịp thời phát hiện, có giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm và xử lý phù hợp; đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng đất đai, các giải pháp ngăn chặn tiến trình thoái hóa đất, cải tạo, phục hồi và khai thác sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu;…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Huỳnh Văn Sơn tiếp và làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh
Để giảm thiểu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từng bước tạo không gian xanh, môi trường xanh, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng bền vững, công tác trồng cây xanh được Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị quan tâm thực hiện, tăng trưởng xanh và bền vững được triển khai lồng ghép trong các ngày lễ môi trường như ngày hưởng ứng Giờ Trái đất, Tháng hành động vì môi trường, Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), ngày Môi trường thế giới 05/6, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,…
Về tăng cường công tác quan trắc môi trường, dự báo, cảnh báo về môi trường, hiện tại Sở Nông nghiệp và Môi trường đang vận hành 06 trạm quan trắc tự động (gồm 03 trạm quan trắc tự động nước mặt tại 02 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; 03 trạm quan trắc tự động không khí tại các huyện Đức Hoà, Bến Lức và thị xã Kiến Tường). Trong thời gian qua, các trạm quan trắc tự động nước mặt và không khí được bảo trì định kỳ để đảm bảo các trạm được vận hành ổn định và khắc phục ngay sau khi có sự cố xảy ra. Hiện tại, các trạm quan trắc đang vận hành ổn định, đã thu thập, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở đề xuất các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước các tuyến sông, duy trì bảo vệ không khí xung quanh.
Về kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật đối với các đối tượng chịu sự tác động, trong giai đoạn 2022 – 2024, tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra là 311 cuộc, phát hiện 138 tổ chức, 9 cá nhân vi phạm; tổng số tiền xử phạt khoảng 13,64 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường – Võ Minh Thành báo cáo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28/28 khu công nghiệp đi vào hoạt động xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tính đến cuối năm 2024, 16/18 cụm công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 02 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải là cụm công nghiệp Đức Hòa Đông chỉnh trang và cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ chỉnh trang. Tuy nhiên, nước thải tại các đơn vị thứ cấp trong 02 cụm nghiệp trên đều xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, cột A trước khi thải ra cống thoát nước của cụm công nghiệp.
Thành viên đoàn giám sát nêu vấn đề tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn đọng, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch và hoạt động xử lý chất thải rắn như: công tác thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch đã được các Sở ngành tỉnh và địa phương ưu tiên và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục pháp lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt nào đi vào hoạt động; việc xây dựng giá áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện còn chậm.
Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều phát biểu kết luận buổi làm việc
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến thành viên đoàn giám sát, các Sở, ngành và UBND tỉnh báo cáo, giải trình về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chủ động lập kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể và phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị liên quan trong tham mưu xây dựng ban hành văn bản.
Chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát môi trường thông qua việc rà soát các nguồn lực phục vụ công tác giám sát, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường; thiết lập hệ thống kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các dự án đầu tư, tập trung vào việc xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không có giấy phép môi trường hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; sớm ban hành cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, giúp cải thiện chất lượng quản lý và bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.
Về quy hoạch và đầu tư hạ tầng môi trường, cần ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 86 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng như các cụm công nghiệp hiện chưa có hoặc có hệ thống xử lý nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, cải thiện chất lượng sống của người dân và đảm bảo sự phát triển bền vững tại các khu vực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt chú trọng các dự án nhà máy đốt rác phát điện nhằm tận dụng nguồn năng lượng từ chất thải; tăng cường công tác quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng xử lý nước thải và chất thải rắn trên toàn tỉnh, nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực môi trường.
Triển khai mạnh mẽ các chương trình truyền thông sâu rộng về bảo vệ môi trường, đặc biệt tập trung vào việc thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác thải ngay tại nguồn và hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung ưu tiên xử lý các tồn tại môi trường đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, Nghị quyết số 66/NQ-HĐND, Thông báo số 187/TB-HĐND, nhằm khắc phục những hạn chế hiện có, góp phần nâng cao chất lượng môi trường và phát triển bền vững cho khu vực. Thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên để đảm bảo việc chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của cơ quan HĐND tỉnh được triển khai, giải quyết đúng tiến độ và hiệu quả, giúp kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, đảm bảo không để tình trạng kéo dài hoặc bỏ sót nội dung./.
Khả Tâm