Dù đã khép lại nhưng dư âm chương trình Tri ân quê hương với hoạt động trao tặng di ảnh các anh hùng, liệt sĩ được phục hồi vẫn làm thổn thức trái tim những thân nhân.
Chương trình do Công an TP.HCM thực hiện qua “cầu nối” là Đại úy Phan Sơ Khải - cán bộ Đội Tham mưu, Công an quận 8 (TP.HCM), người con quê hương Đức Huệ anh hùng.
Đại úy Phan Sơ Khải chia sẻ: “Vì lời hứa tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, là sẽ góp sức nhỏ của mình làm một việc gì đó đền đáp công lao to lớn, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ nên tôi quyết tâm kết nối, thực hiện chương trình Tri ân quê hương. Đó như một lời tri ân của thế hệ trẻ đối với các anh hùng, liệt sĩ và cũng là sự động viên, chia sẻ với thân nhân”.
"Ôm di ảnh trong lòng, tôi cảm giác như ba trở về bên tôi" - bà Phan Thị Nhị (khu phố 1, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) xúc động nói
52 di ảnh được gói cẩn thận trong lá cờ đỏ sao vàng lần lượt trao tận tay người thân, gia đình các liệt sĩ. Khoảnh khắc nhìn thấy bức ảnh người thân nằm gọn trong lá cờ Tổ quốc, nhiều người vỡ òa cảm xúc. Những giọt nước mắt lăn dài khi ôm trọn vào lòng bức ảnh mà trước kia đã bị mờ, nhòe, mất góc theo thời gian.
Những ký ức, những câu chuyện thời chiến tranh chợt ùa về. Đằng sau mỗi bức di ảnh là một câu chuyện bi tráng về anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Trong số 52 di ảnh được trao tặng, có ảnh các anh hùng, liệt sĩ của huyện Đức Huệ như Nguyễn Văn Thể, Lê Văn Rỉ, Nguyễn Văn Nguyên, Mẹ Việt Nam Anh hùng Tống Thị Diệu, các con của 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống của huyện là mẹ Nguyễn Thị Tư (95 tuổi, ngụ thị trấn Đông Thành) và mẹ Nguyễn Thị Bìa (92 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh Tây). Nhìn di ảnh con, các mẹ rơi nước mắt, nhiều lần nói lời cảm ơn Công an TP.HCM và đơn vị phục chế ảnh.
Di ảnh 2 người con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tư (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ)
Bà Phan Thị Nhị (khu phố 1, thị trấn Đông Thành) nghẹn ngào khi nhận di ảnh của ba là liệt sĩ Phan Văn Thoại, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. “Ôm di ảnh trong lòng, tôi cảm giác như ba trở về bên tôi” - bà Nhị xúc động nói.
“Ngàn hoa dâng mộ liệt sĩ”
Để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tuổi trẻ huyện Đức Huệ thực hiện nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng,...
Huyện Đoàn phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và Viettel Đức Huệ thay hoa sen cho các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Đây là hoạt động thực hiện công trình thanh niên Ngàn hoa dâng mộ liệt sĩ do Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Viettel Long An và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát động.
Theo đó, có 2.300 đóa hoa sen được thay mới trên các phần mộ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ từ trần.
Em Hoàng Hạ Kim Chi - học sinh Trường THPT Đức Huệ, bày tỏ: “Được tham gia hoạt động này, em rất vui và cảm thấy ý nghĩa vì được chăm sóc phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt để xứng đáng với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc”.
Tuổi trẻ huyện Đức Huệ thực hiện công trình Ngàn hoa dâng mộ liệt sĩ
Bí thư Huyện Đoàn Đức Huệ - Phạm Văn Trọng cho biết: “Công trình Ngàn hoa dâng mộ liệt sĩ là lời tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ bằng việc làm cụ thể, thiết thực, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ trẻ”.
Tại xã biên giới Mỹ Thạnh Tây - nơi có Di tích lịch sử Giồng Dinh, Đoàn xã tổ chức ra quân chăm sóc công trình bia tưởng niệm chiến thắng Giồng Dinh ở ấp Vinh và thắp hương tri ân. Bí thư Đoàn xã Mỹ Thạnh Tây - Phan Minh Trường cho biết: “Trước đây, Giồng Dinh thuộc xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An, nay là xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Nơi đây ghi dấu chiến công oanh liệt của quân, dân ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Với chiến thắng Giồng Dinh, lần đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, quân, dân ta đã đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn bằng lực lượng dù của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến của khu 7 và các đơn vị vũ trang đang đóng trên địa bàn, ghi một dấu son trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược. Hàng năm, Đoàn xã thường chọn địa điểm này để giáo dục truyền thống lịch sử, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Lê Văn Nên thông tin: “Trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, huyện Đức Huệ có 324 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.690 liệt sĩ, 311 thương binh, 123 bệnh binh và 1.506 người có công với cách mạng; 108 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, 112 người hưởng chính sách tù đày,...
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại địa phương”./.
Theo Báo Long An Online
https://baolongan.vn/moi-viec-lam-la-mot-loi-tri-an-a180448.html