Đại biểu tham gia hội thảo
Hội thảo được Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN phối hợp Trung tâm giống thủy sản An Giang tổ chức tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp Mười (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) nhằm giới thiệu một số giống nuôi thuỷ sản mới, có hiệu quả kinh tế tốt và phù hợp với điều kiện của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.
Long An là một trong các tỉnh có vùng Đồng Tháp Mười (chiếm gần 50% diện tích toàn vùng), là vùng đất trũng ngập nước với tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài thủy sinh đặc trưng phù hợp cho phát triển thủy sản.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, ít xảy ra các loại dịch bệnh, tình hình tiêu thụ thủy sản nuôi có chiều hướng chuyển biến tích cực.
6 tháng đầu năm 2024, tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 5.543ha, đạt 62% kế hoạch và bằng 102% so cùng kỳ; nuôi lồng/vèo là 2.500m3, bằng 92,6% so cùng kỳ; trong đó, đã thu hoạch được 3.997ha với sản lượng 69.510 tấn, đạt 77,2% kế hoạch và bằng 116% so cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả của việc phát triển thủy sản nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng. Vì vậy, tại hội thảo, diễn giả lưu ý người nuôi thủy sản cần chú trọng điều kiện môi trường; đối tượng, giống chất lượng, số lượng, tự nhiên, nhân tạo; quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; chất lượng, tiêu chuẩn và thị trường tiêu thụ.
Tại hội thảo, đại biểu được giới thiệu công nghệ sản xuất giống nhân tạo và một số hình thức nuôi thương phẩm cá chạch lấu (Mastacembelus favus) hiệu quả tại Đồng bằng sông Cửu Long và tổng quan một số kết quả nghiên cứu về thuỷ sản nước ngọt có thể ứng dụng và nhân rộng tại vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An./.
Theo Báo Long An Online
https://baolongan.vn/ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-va-cac-quy-trinh-ky-thuat-tien-tien-trong-linh-vuc-nong-nghiep-thuy-san-phu-hop-voi-nhu-cau-va-dieu-kien-cua-dia-phuong-a180640.html