Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Chiều ngày 18/10/2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh - Lê Thị Song An chủ trì hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Quang cảnh buổi làm việc
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 9 chương, 89 Điều, kế thừa và phát triển các quy định của Luật Hóa chất năm 2007. Theo đó, Luật bổ sung thêm quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất trong sản phẩm, cụ thể là quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất; quy định các nội dung cần được xem xét, đánh giá trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, giai đoạn quyết định đầu tư dự án hóa chất; quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Đồng thời, bãi bỏ quy định về trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất trong việc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về biện pháp bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
Đóng góp cho Dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung về phạm vi điều chỉnh; áp dụng pháp luật; chính sách của nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; các hành vi bị cấm, nhất là quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất…
Đại biểu tham gia thảo luận, cho ý kiến góp ý các dự án Luật
Đối với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như sau: một số quy chuẩn quốc gia sau khi ban hành không phù hợp trong thực tiễn áp dụng; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh; một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất; chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài,...
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuần và quy chuẩn kỹ thuật gồm có 4 Điều (trong đó, Điều 1 sửa đổi các Điều: 3, 7, 8, 11, 15, 17, 21, 27, 32, 48, 50, 51, 52, 53, 57, 59, 60). Dự thảo luật tập trung vào các nhóm chính sách đảm bảo thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá. Thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn. Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn Việt Nam, ban hành quy chuẩn Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuần và quy chuẩn kỹ thuật liên quan về chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; quy định chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; xuất bản và phát hành tiêu chuẩn; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; công bố hợp quy....
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh - Lê Thị Song An ghi nhận đóng góp của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp, chuyển cơ quan soạn thảo xem xét, hoàn thiện trước khi trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, dự kiến khai mạc ngày 21/10/2024 sắp tới./.
Ngọc Lan