Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8,3 - 8,5% trong năm 2025
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu.
Dự và chủ trì tại điểm cầu Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Văn Quyết - Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Út – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Quyết - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế cả nước tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 7,52% so với cùng kỳ (cao nhất trong cùng kỳ gần 20 năm qua); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11%, là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung; xuất khẩu tăng 14,4%; thu Ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%; số doanh nghiệp đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03%... Nhiều tổ chức đã đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam,…
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức như áp lực giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm rất lớn; sức mua phục hồi chậm; xuất khẩu chịu tác động bất lợi từ chính sách thuế quan của một số quốc gia; kinh tế vĩ mô chịu nhiều sức ép lớn từ bên ngoài.
Căn cứ tình hình thực tiễn, phân tích các khó khăn thách thức và các thuận lợi, thời cơ, Bộ Tài chính đã đề xuất 02 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong Quý III, Quý IV, cả năm 2025 và năm 2026. Cụ thể: Kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%, quy mô GDP cả năm đạt trên 508 tỷ USD; Kịch bản 2 là tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3 – 8,5%, quy mô GDP năm 2025 trên 510 tỷ USD. Cùng với việc khai thác cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, đầu tư tiếp tục được xác định là động lực chủ yếu, còn nhiều dư địa, tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa, giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2025, đồng thời hình thành và phát triển năng lực sản xuất mới, không gian mới, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên. Do đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện kheo Kịch bản 2 (tăng trưởng 8,3 – 8,5%).
Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2026, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, đam bảo tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2026 đạt 10% trở lên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các phương án, nhiệm vụ để thực hiện kịch bản dự kiến. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%, các bộ, ngành, địa phương cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD, giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và phải đẩy mạnh đầu tư tư nhân, doanh nghiệp tư (trên 60 tỷ USD), thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD. Đồng thời, cần thúc đẩy tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa với các nước; kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy các động lực tăng tưởng mới, nhất là thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam; tiếp tục đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng hạng thị trường tài chính và đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong toàn nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thống nhất lựa chọn kịch bản tăng trưởng 8,3–8,5% năm 2025 là nhiệm vụ rất khó và có nhiều thách thức nhưng phải quyết tâm, chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phân công nhiệm vụ với phương châm “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền).
Bên cạnh 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện triệt để 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật) và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính Phủ. Riêng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện các dự thảo nghị quyết về đột phá phát triển y tế, giáo dục, văn hóa để trình Bộ Chính trị ban hành.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và đối ngoại; vừa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vừa mở rộng đối ngoại và hội nhập. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận về nhận thức, tầm nhìn, hành động và tổ chức thực hiện với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".
Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhưng không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc; quyết liệt, hiệu quả triển khai chương trình nhà ở xã hội.
V.K