"Rác tặc" vẫn là vấn đề nhức nhối của các địa phương (Trong ảnh: Lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân xã Hựu Thạnh ra quân dọn dẹp các bãi rác tự phát cặp tuyến Đường tỉnh 830)
Bên cạnh đó, các đơn vị quan tâm bố trí ngân sách để lắp đặt thêm camera giám sát phục vụ công tác theo dõi và giám sát tình trạng vứt, tập kết, đổ và đốt chất thải rắn sinh hoạt tại các khu đất trống và các tuyến đường giao thông (đường liên xã, đường liên tỉnh, quốc lộ,...) trên địa bàn huyện.
Công an và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra theo thẩm quyền để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn theo đúng quy định; xem xét, giao nhiệm vụ hoặc đề nghị các tổ chức đoàn thể, hội quan tâm, tăng cường dọn dẹp, vệ sinh, bảo vệ môi trường nhất là khu vực công cộng;...
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và Sở Công Thương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện làm việc và yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đi vào hoạt động phải có phương án/biện pháp bảo vệ vị trí và ranh giới khu đất nhằm tránh tình trạng là điểm tập kết chất thải gây ô nhiễm môi trường; trường hợp chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp không chấp hành thì phải có chế tài xử lý hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Công an tỉnh huy động lực lượng và tăng cường chỉ đạo các lực lượng sử dụng nghiệp vụ trinh sát, nắm bắt tình hình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn; đặc biệt là hành vi chuyển giao, vận chuyển và xử lý chất thải không đúng quy định, đốt chất thải, đổ trộm chất thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên địa bàn dao động từ 870-890 tấn/ngày được vận chuyển về xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa), Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước và Công ty CP Vietstar Khu Liên hiệp Phước Hiệp - huyện Củ Chi, TP.HCM.
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200-1.400 tấn/ngày được doanh nghiệp tự phân loại và quản lý, hầu hết được tái chế, tái sử dụng, phần không tái chế thì hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý; khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2023 từ 24.000 – 26.000 tấn/năm được chủ đầu tư tự quản lý và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý;...
Mặc dù chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng thời gian qua tình trạng "rác tặc" vẫn là vấn nạn đối với các địa phương. Việc đổ bỏ rác thải tự phát, đổ trộm rác vẫn còn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường, mất vẻ mỹ quan cũng như gây bức xúc cho dân. Địa phương thường xuyên ra quân thu gom, dọn dẹp rác; lắp đặt các camera giám sát tại những tuyến đường “nóng” về vấn đề “rác tặc” để theo dõi, xử lý cũng như xử lý một số cá nhân vi phạm;...
Để giải bài toán về vấn nạn rác tự phát, "rác tặc",...thiết nghĩ, vai trò của các cấp trong công tác quản lý nhà nước là chưa đủ mà điều quan trọng không kém chính là ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức cũng như nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay, phối hợp thực hiện./.