Ông Võ Văn Mạng (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) chăm sóc cây kiểng. Đây là thú vui tuổi già của ông
Người cựu chiến binh 24 năm làm trưởng ấp
Đến ấp Chánh (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), hỏi ông Bảy Mạng ai cũng biết bởi trong vùng, ông là người uy tín, đạo đức và có nhiều đóng góp cho địa phương. Ông Bảy Mạng tên thật là Võ Văn Mạng, SN 1948. Gia đình không có truyền thống cách mạng nhưng khi nhìn thấy chiến sĩ cầm súng ra chiến trường, người thanh niên năm đó cũng hừng hực khí thế. Năm 1967, ông xin cha mẹ tham gia vào đội du kích xã chống đế quốc Mỹ. Thấy được nhiệt huyết của con trai và cảnh quân thù giày xéo dân mình nên ông bà đồng ý. Ông Bảy Mạng còn 2 người anh cũng tham gia cách mạng, hiện tại một người là thương binh, người còn lại thành liệt sĩ.
Ông Bảy Mạng là Tiểu đội trưởng đội du kích, chuyên gài bom trên đường đi của địch, gây tổn thất không nhỏ cho chúng. Năm 1970, trong lúc làm nhiệm vụ, ông giẫm phải mìn giặc và bị thương ở chân, thương tật 26%, trở thành thương binh hạng 4/4. Vết thương ấy khiến ông đi lại khập khiễng, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức. Sau khi dưỡng thương, ông tiếp tục tham gia cách mạng, làm công tác mật. Trong thời gian ấy, địch thường xuyên cho máy bay rải truyền đơn chiêu hồi với nhiều lời hứa hẹn nhưng ông son sắt, kiên trung.
Theo lời ông Bảy Mạng, sau hòa bình, đất nước rất khó khăn, nhiều người phải ăn cơm độn nhưng nhờ cha mẹ biết làm kinh tế nên gia đình ông cũng đủ gạo ăn. Lúc này, ông Bảy Mạng đã có vợ. Được cha mẹ cho đất, vợ chồng ông chăm chỉ làm ruộng, nuôi heo, nấu rượu. Có lẽ nhờ “gen” cha mẹ nên ông làm đâu thắng đó, kinh tế ngày càng đi lên. Ngoài trồng lúa, ông còn trồng gừng, khoai môn; vườn mai kiểng cũng đem lại cho ông thu nhập khá. Từ căn nhà lá lụp xụp, nay ông có cơ ngơi khang trang, vườn tược rộng rãi, tươi tốt.
Trong công tác xã hội, ông Bảy Mạng rất nhiệt tình, năng nổ. Ông được người dân địa phương tin tưởng bầu làm Trưởng ấp Chánh suốt 24 năm qua. Nay lớn tuổi, ông làm Phó Trưởng ấp, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi. Ngoài ra, ông còn nhận nhiệm vụ thu thuế, thu tiền rác. Ông là hòa giải viên xuất sắc của ấp Chánh nói riêng và xã Long Hiệp nói chung. Người dân trong ấp chưa bao giờ thấy ông cự cãi với ai, lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi. Ông từng được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tốt trong các công tác ở địa phương. Ở tuổi 77, làm việc nhiệt tình, hiệu quả, đôi khi ông Bảy Mạng quên mình đang là người có thương tật. Ông Bảy Mạng chia sẻ: “Tôi còn sức ngày nào thì sẽ cống hiến ngày đó. Với tôi đây là niềm vui, trách nhiệm của người lính Cụ Hồ”.
Các con của ông đều có việc làm ổn định. Ông có một người con trai tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Người con út là Đại đức Thích Thiện Phát (Trụ trì chùa Thạnh Đức, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Ông Võ Văn Mạng là thương binh hạng 4/4. Với vai trò Phó Trưởng ấp Chánh, ông tích cực tham gia tốt các phong trào, hoạt động của địa phương như hòa giải, khuyến học, khuyến tài,... Các thành viên trong gia đình cũng có nhiều đóng góp, hoạt động năng nổ”.
Cựu chiến binh hiến hơn 300m2 đất để làm đường
Ông Nguyễn Văn Án (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) bên con đường mà ông đã góp một phần đất để thực hiện
Tại ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, ông Nguyễn Văn Án luôn gương mẫu, đi đầu trong hoạt động của địa phương. Ông từng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 1970, ông làm công tác quân báo, vẽ họa đồ. Năm 1978, ông tình nguyện tham gia chiến trường Tây Nam và vô chiến dịch ngay sau đó.
Theo ông, đây là giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến khi Pol Pot tấn công quyết liệt. Trong một trận đánh, ông bị thương, một bên mắt bị pháo sáng làm mờ, thị lực giảm còn 25%. Một cánh tay của ông gãy làm 2 đoạn, hiện vẫn còn mảnh đạn. Nhưng ông phải sống chung với nó cả đời, bác sĩ nói nếu lấy ra sẽ bị liệt. Mỗi khi trời lạnh, nó làm ông đau nhức. Hiện tại ông Án là thương binh hạng 4/4.
Năm 1980, ông về địa phương tham gia nhiều công tác, nỗ lực lao động phát triển kinh tế gia đình. Ông làm ruộng, nuôi vịt, ai thuê gì cũng nhận. Năm 1997, ông mở cơ sở cho thuê chỗ giết mổ gia súc, gia cầm. Khi địa phương có chính sách đào kênh dẫn nước, ông tình nguyện dỡ nhà, hiến đất, bỏ nghề. Ông được Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ kinh phí nuôi bò. Có thời điểm đàn bò của ông hơn 20 con. Mấy năm trước, một bên mắt còn lại cũng bệnh, ông chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ. Do đó, ông bán bớt bò, hiện trong chuồng chỉ còn 2 con.
Hơn 1 năm trước, khi địa phương có chủ trương mở rộng đường, ông lại dỡ nhà thêm lần nữa, tình nguyện hiến đất. Đến thời điểm này, ông Án đã hiến hơn 300m2 đất để đào kênh, làm đường. Theo ông Án, dù cuộc sống đôi lúc còn khó khăn nhưng ông vẫn tình nguyện đóng góp để phát triển địa phương. Khi đường mở rộng ra 5m, người dân vận chuyển nông sản dễ dàng, học sinh đi lại thuận tiện, diện mạo địa phương cũng đổi thay tích cực.
Hiện tại, ông Án được hưởng đầy đủ chế độ dành cho thương binh. Thấy ngôi nhà của ông xuống cấp, Nhà nước đã xem xét hỗ trợ 100 triệu đồng để xây nhà mới. Ở tuổi 68, ông Án vẫn tràn đầy nhiệt huyết làm việc, cống hiến. Ông Án nói: “Bộ đội mà, không thể gục ngã”. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng yếu, vợ mất, mắt chỉ nhìn thấy lờ mờ, đôi khi cũng “lực bất tòng tâm”.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lạc Tấn - Nguyễn Văn Đậm, ông Án là hội viên năng nổ, công tác, phong trào nào cũng gương mẫu đi đầu, hỗ trợ địa phương rất tốt.
Với tinh thần, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, những cựu chiến binh khi về với cuộc sống đời thường vẫn tiếp tục cống hiến, không bỏ cuộc, không đầu hàng số phận. Họ là những cựu chiến binh “tàn nhưng không phế”./.
Theo Báo Long An Online
https://baolongan.vn/nhung-cuu-chien-binh-tan-nhung-khong-phe-a180033.html