Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về chuyển đổi số với các bộ, ngành, địa phương
Sáng ngày 19/7/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.
Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Long An
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hoàn thiện thể chế nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở nước ta. Cụ thể: Quốc hội ban hành 3 luật điều chỉnh tác động trực tiếp tới hoạt động chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; Chính phủ ban hành 2 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới dữ liệu dân cư, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; Chính phủ ban hành 19 nghị định tác động, điều chỉnh trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số; Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 quyết định và chỉ thị; các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng chục thông tư, văn bản hướng dẫn về chuyển đổi số.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, đến nay tỷ lệ này cả nước đạt trên 55%. Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước trên môi trường số: Năm 2020, hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt mức 65,8%, đến nay tỷ lệ này đạt 89,35%; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đến nay 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia.
Về kết nối chia sẻ dữ liệu, năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu là 11,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia; tổng giao dịch trong năm 2024 đến nay là 533 triệu. Về phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2023 đạt 16,5%,…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như nêu những khó khăn, giải pháp thực hiện trong thời gian tới để chuyển đổi thành công.
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã và đang trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi số đã trở thành phong trào, là xu thế; chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, xuyên suốt... Người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu thói quen sử dụng chuyển đổi số và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Thủ tướng Chính phủ điều quan trọng nhất có tính quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu để thức đẩy chuyển đổi số trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình về quản lý với quyết tâm cao nhất.
Đồng thời tập trung phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số. Ưu tiên nguồn lực để phát triển cho chuyển đổi số, cho kinh tế số, con người số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý điều hành phải số hóa và sử dụng trí tuệ thông minh.
Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền, phát huy sáng tạo của các cấp, các ngành. Tăng cường phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới. Đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin cho và chống tiêu cực tham nhũng trong chuyển đổi số. Trong quá trình thực hiện phải mạnh dạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; tăng tốc bức phá với khí thế tiến công mạnh mẽ./.
Anh Tuấn