Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ
Điểm sáng trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành 09/16 nhiệm vụ trọng tâm do UBND tỉnh giao và đang tiếp tục triển khai 5/16 nhiệm vụ theo tiến độ.
Lĩnh vực nghiên cứu khoa học ghi nhận nhiều hoạt động tích cực. Sở đã thực hiện quản lý và theo dõi 107 nhiệm vụ KH&CN (bao gồm cả nhiệm vụ chuyển tiếp), trong đó có 01 nhiệm vụ cấp quốc gia, 72 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (bao gồm các chương trình về tài sản trí tuệ và năng suất chất lượng), 22 nhiệm vụ cấp cơ sở và 12 nhiệm vụ tham gia chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình. Đặc biệt, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh dừng thực hiện 03 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc Danh mục năm 2025.
Trung tâm Điều hành thông minh nơi dữ liệu trở thành công cụ quyền lực phục vụ quản lý và điều hành hiệu quả
Hoạt động công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Số lượng thủ tục hành chính gắn với chức năng của Phòng Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là 123 thủ tục. Sở đã tổ chức thẩm định hoặc cho ý kiến hơn 124 dự án đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp khoa học và công nghệ/doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 02 doanh nghiệp công nghệ cao. Công tác cấp phép trong lĩnh vực an toàn bức xạ hạt nhân cũng được đẩy mạnh với 36 giấy phép được cấp và 13 Chứng chỉ nhân viên bức xạ.
Trong phát triển tài sản trí tuệ, Sở đã ký hợp đồng thực hiện 02 nhiệm vụ, hướng dẫn 26 tổ chức đăng ký nhãn hiệu và 07 tổ chức gia hạn nhãn hiệu. Tổng kinh phí hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đạt trên 400 triệu đồng cho 32 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân.
Không gian Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Long An tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên, tạo môi trường nghiên cứu cho sinh viên và học sinh, đồng thời hỗ trợ đội STEM của trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Sở cũng đã tổ chức 02 khóa đào tạo chuyên sâu về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đang hỗ trợ 05 công ty triển khai các đề tài hoàn thiện công nghệ, sử dụng công nghệ mới để sản xuất và phát triển sản phẩm.
Đột phá trong chuyển đổi số
Sơ kết 02 năm thực hiện Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 giữa UBND tỉnh Long An và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)
Chuyển đổi số là một trong những điểm nhấn quan trọng trong 6 tháng đầu năm. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, quy định quan trọng như Quy chế quản lý Hệ thống camera giám sát tỉnh Long An, Danh sách mã định danh điện tử của các cơ quan, Kế hoạch phát triển hạ tầng số và nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số.
Hạ tầng số của tỉnh tiếp tục được đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ phủ sóng 5G đạt 6,4% và tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 87%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 92% với tốc độ truy cập trung bình 100 Mbps. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng, đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Tỉnh cũng đã hoàn thành xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung và hình thành Cổng dữ liệu mở ( https://data.longan.gov.vn) và Cổng dữ liệu Bản đồ số (GIS) (https://gis.longan.gov.vn).
Về chính quyền số, 100% Sở, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số đạt cao ở cả cấp tỉnh, huyện (99,94%) và cấp xã (99,95%). Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang được nâng cấp, phát triển theo hướng tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, không duy trì Cổng dịch vụ công cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025. Kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp được triển khai rộng rãi qua nhiều nền tảng như Trang chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh, YouTube, TikTok, Zalo, và ứng dụng Tây Ninh Smart.
Kinh tế số cũng ghi nhận sự phát triển với 447 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 4.737 người. Tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số và kinh tế số. Các hoạt động phát triển thương mại điện tử cũng được triển khai tích cực, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức phiên chợ không dùng tiền mặt và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên TikTok Shop.
Trong lĩnh vực xã hội số, tỉnh đã thu nhận 1.914.838 hồ sơ CCCD/căn cước và 1.476.743 tài khoản định danh điện tử mức 2, cho phép truy cập và sử dụng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Công tác đảm bảo an ninh mạng và chủ quyền số được chú trọng, với việc duy trì các phương án an toàn thông tin cấp độ 3, mô hình 4 lớp đối với Trung tâm Dữ liệu tỉnh và vận hành Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).
Triển khai Nghị quyết 57- NQ/TW và hướng đến tương lai
Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhiều kế hoạch và quyết định quan trọng đã được ban hành, bao gồm Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Kế hoạch về Chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh năm 2025.
Các hội thảo và tập huấn đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng AI trong quản lý, điều hành. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 24/6/2025 về Đề án thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Long An, giai đoạn 2025 - 2030. Tỉnh cũng đã công bố danh mục 13 bài toán lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện các căn cứ pháp lý cho hoạt động của các trung tâm trực thuộc, triển khai các chính sách liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, Sở sẽ tập trung phát triển các nền tảng số dùng chung, kho cơ sở dữ liệu dùng chung, và ứng dụng AI trong quản lý, báo cáo, hỗ trợ ra quyết định. Đồng thời, sẽ hoàn thành các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng.
Với những kết quả đã đạt được và phương hướng rõ ràng, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh./.
Ngọc Lan