Ngày 17/10/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 3261/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bao gồm dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở heo và cúm gia cầm (gọi tắt là dịch bệnh nguy hiểm) với các nội dung và mức hỗ trợ như sau:
1. Chính sách hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi
Đối tượng hỗ trợ bao gồm hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi và các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bệnh nguy hiểm bắt buộc phải tiêu hủy.
Điều kiện được hỗ trợ tiêu huỷ gia súc, gia cầm là dịch bệnh nguy hiểm xảy ra phải nằm trong vùng quyết định công bố dịch của Ủy ban nhân dân tỉnh. Riêng trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh những ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm (chưa đủ điều kiện công bố dịch) để tránh dịch bệnh lây lan, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép được tiêu hủy gia súc, gia cầm nghi mắc dịch bệnh nguy hiểm không phải đợi công bố dịch mới cho tiêu hủy và giải quyết chính sách hỗ trợ, nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đối với gia cầm: Khi gia cầm bị bệnh hoặc nghi bị bệnh cúm gia cầm, có báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y hoặc đường dây điện thoại nóng 800115; Gia cầm bị bệnh không bán chạy, không vứt xác gia cầm ra nơi công cộng. Riêng đối với vịt (vịt thịt từ 200 con, vịt giống từ 100 con trở lên) có đăng ký với chính quyền địa phương để được cấp sổ đăng ký chăn nuôi vịt.
- Đối với gia súc: Khi bị bệnh hoặc có triệu chứng điển hình của bệnh lở mồm long móng gia súc và bệnh tai xanh ở heo có báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y hoặc đường dây điện thoại nóng 800115; gia súc trong diện tiêm phòng bắt buộc đã tiêm vắc xin lở mồm long móng.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau
- Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo.
- Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, nai.
- Hỗ trợ 35.000 đồng/con gà, vịt, ngan, ngỗng trên 2 tháng tuổi.
- Hỗ trợ 25.000 đồng/con gà, vịt, ngan, ngỗng từ 1 - 2 tháng tuổi.
- Hỗ trợ 20.000 đồng/con gà, vịt, ngan, ngỗng dưới 1 tháng tuổi.
- Hỗ trợ 15.000 đồng/con chim cút, gà ri.
Hồ sơ xét duyệt hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm
- Đơn xin hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm bị thiệt hại do dịch bệnh.
- Biên bản kiểm tra ổ dịch do cán bộ thú y huyện, thành phố hoặc cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y lập.
- Biên bản tiêu hủy gia súc, gia cầm.
- Danh sách các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy (cấp xã).
- Bảng tổng hợp nhu cầu hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm (cấp xã).
- Công văn đề nghị kèm biên bản thẩm định của huyện, thành phố.
(Danh mục các biểu mẫu tải về tại đây)
Riêng các trường hợp đặc biệt phải tiêu hủy gia súc, gia cầm khi chưa đủ điều kiện công bố dịch, ngoài các hồ sơ nêu trên phải kèm theo các hồ sơ sau:
- Biên bản mổ khám bệnh tích gia súc, gia cầm (do cán bộ thú y huyện kiểm tra, chẩn đoán bệnh và đề xuất xử lý).
- Văn bản chỉ đạo tiêu hủy gia súc, gia cầm: do Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định tiêu hủy những ổ dịch xảy ra đầu tiên khi chưa đủ điều kiện công bố dịch theo đề nghị của cơ quan thú y (nếu chỉ đạo cho tiêu hủy gia súc, gia cầm qua điện thoại thì sau khi tiêu hủy, cơ quan quyết định cho tiêu hủy phải có báo cáo bằng văn bản cho Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để làm căn cứ xem xét trình UBND tỉnh hỗ trợ).
2. Hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch
Hỗ trợ cho người tham gia trực tiếp tiêm phòng vắc xin khi có dịch xảy ra với mức cụ thể cho 01 lần tiêm: 2.000 đồng/con heo; 4.000 đồng/con trâu, bò; 200 đồng/con gia cầm. Trường hợp mức bồi dưỡng theo lần tiêm dưới 100.000 đồng/người/ngày, nếu ở những vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn và một ngày đi tiêm được trên 15 hộ chăn nuôi thì được thanh toán 100.000 đồng/người/ngày.
Chi phí thực tế cho việc tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch phải tiêu hủy; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định của phát luật về thú y.
Chi phí hoá chất các loại để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường trong và xung quanh ổ dịch; mua trang phục phòng hộ cho người tham gia phòng, chống dịch.
Hỗ trợ cho những người trực tiếp thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; phun hoá chất khử trùng tiêu độc và phục vụ tại các chốt kiểm dịch trong vùng công bố dịch. Mức chi 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh được chi phụ cấp làm thêm giờ theo bảng chấm công thực tế cho các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo từ nguồn kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm.
Mua sắm thiết bị, vật dụng cho kiểm tra phát hiện, chẩn đoán bệnh dịch và phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.