Hiện nay, phát
triển kinh tế vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy tiến
trình phát triển bền vững của tỉnh. Ngành nông nghiệp cho đến nay đã
và đang là ngành kinh tế chủ đạo và dự kiến vẫn sẽ duy trì vai trò
quan trọng trong tương lai, cho dù tỷ trọng tương đối trong cơ cấu GDP
có giảm. Ngành công nghiệp đang tăng trưởng mạnh và được kỳ vọng sẽ
trở thành động lực tăng trưởng chính trong tương lai. Ngành dịch vụ,
cho đến nay vẫn mờ nhạt và vẫn chưa được nhìn nhận là có thể đảm
nhận vai trò lớn hơn trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Hầu như
tất cả các ngành kinh tế trong tỉnh đều thiếu tính cạnh tranh và đạt
năng suất thấp do thiếu cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, điều kiện
tiếp cận thị trường, thiếu nguồn tài chính, thiếu sáng kiến và hỗ
trợ thể chế, v.v. Nâng cao tính cạnh tranh cho các ngành kinh tế khu
vực I, II và III chính là vấn đề trọng tâm của tỉnh.
Nếu
coi tiến trình phát triển kinh tế là nền tảng để xây dựng tầm nhìn
và mục tiêu cho tỉnh thì các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế
là: Củng cố và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế của
tỉnh thông qua việc khai thác vị trí chiến lược của tỉnh; Phát
triển kinh tế mà không phải hy sinh tính bền vững về văn hóa xã hội
và môi trường; Xây
dựng nền kinh tế có bản sắc riêng, có sự cân bằng giữa các ngành
kinh tế khu vực I, II và III.
Với
vị trí đặc biệt vừa nằm trong vùng ĐBSCL và vừa thuộc vùng KTTĐPN
khiến Long An vừa phải giải quyết áp lực từ việc mở rộng
đô thị của thành phố Hồ Chí Minh và vừa phải thích ứng được với
những đặc điểm của khu vực nhạy cảm về môi trường nơi người dân sống
khá rải rác. Điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng tạo cơ hội tốt cho
phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái nhưng đồng thời lại là
hạn chế đối với các dự án phát triển và nguy cơ do biến đổi khí
hậu. Trên cơ sở vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Long An được
kỳ vọng có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, có bản sắc,
đảm bảo phát triển bền vững trong thời đại mới.
Để có
thể cụ thể hóa tầm nhìn và chiến lược trên thì yếu tố chủ chốt
là đầu tư, nhất là đầu tư từ bên ngoài của các nhà đầu tư trong và
ngoài nước bởi năng lực của các nhà đầu tư trong tỉnh vẫn còn hạn
chế. Vì vậy cần có biện pháp thu hút đầu tư từ bên ngoài, nhất là
những nhà đầu tư có công nghệ và thị trường mới. Khi đã có đầu tư
từ bên ngoài thì cần xúc tiến hoạt động đầu tư phù hợp với các
hoạt động kinh tế – xã hội và đầu tư của địa phương để tạo hiệu
quả đồng bộ. Tỉnh cần có biện pháp xây dựng môi trường đầu tư “mời
gọi” cũng như tạo dựng hình ảnh hấp dẫn để có thể thu hút được
nguồn đầu tư có chất lượng.
(xem tiếp Phát triển kinh tế Ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Ngành Công nghiệp, Ngành Thương mại – Dịch vụ và Du lịch)