Tuyên truyền kiến thức quốc phòng và an ninh cho học sinh trên địa bàn biên giới
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Long An tổ chức được 258 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN/34.590 người, đạt 100% kế hoạch. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, công nhân, người dân về QP&AN được nâng lên, góp phần hun đúc, bồi đắp truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.
Đại tá Nguyễn Minh Tấn - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, khẳng định: "Bộ CHQS tỉnh phát huy tốt vai trò tham mưu Hội đồng Giáo dục QP&AN tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo, triển khai, thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng QP&AN đạt hiệu quả thiết thực, toàn diện, đúng đối tượng, đủ nội dung, chương trình. Trong đó, giáo dục QP&AN cho học sinh, sinh viên đi vào nền nếp, phổ biến kiến thức QP&AN cho toàn dân được chú trọng. Đặc biệt, Hội đồng Giáo dục QP&AN các cấp trong tỉnh tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN cho nhân dân trên tuyến biên giới".
Những năm qua, tỉnh không ngừng đổi mới chương trình, nội dung phù hợp với các đối tượng và yêu cầu thực tiễn để công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN được thực hiện có nề nếp, chất lượng. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Vĩnh Hưng là huyện biên giới đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình Phổ biến kiến thức QP&QN cho hộ dân sinh sống trên tuyến biên giới. Đến nay, công tác này đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả và tạo sức mạnh nội sinh trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. 100% hộ dân thuộc các ấp biên giới đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự xóm ấp, khu vực biên giới,...
Ông Lê Văn Nhỏ (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) nói: "Ở đây, người dân vừa làm ruộng, vừa hỗ trợ anh em chốt dân quân, bộ đội biên phòng giữ gìn đường biên, cột mốc, an ninh xóm ấp. Sáng thăm ruộng, nếu thấy người lạ khả nghi, người dân báo ngay cho lực lượng chức năng. Người dân thường xuyên được chính quyền phổ biến kiến thức QP&AN nên cũng nắm và hiểu, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới".
Tại các Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm Biên phòng trên tuyến biên giới qua địa bàn tỉnh, mỗi hộ dân thực sự là "cột mốc" vững chắc. Ông Nguyễn Ngọc Minh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) bộc bạch: "Chọn mảnh đất biên giới để lập nghiệp, gia đình tôi luôn ý thức cùng người dân, dân quân, bộ đội biên phòng giữ gìn xóm ấp bình yên. Tôi dù bận việc đồng áng nhưng cũng tranh thủ dự nghe phổ biến kiến thức QP&AN rồi vận động gia đình, hàng xóm cùng tham gia để góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ biên giới".
Mô hình Ánh sáng đường biên của huyện Mộc Hóa
Nội dung, phương pháp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho hộ dân biên giới không ngừng được đổi mới. Bên cạnh mở các lớp bồi dưỡng, phổ biến, cập nhật kiến thức QP&AN, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban CHQS các huyện, thị xã biên giới còn đẩy mạnh công tác dân vận giúp dân. Thượng tá Võ Đức Dũng - Chính trị viên Ban CHQS huyện Mộc Hóa, thông tin: "Đến nay, huyện mở được 98 lớp bồi dưỡng, phổ biến kiến thức QP&AN cho hơn 10.000 lượt người dân sinh sống trên tuyến biên giới. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện mô hình Ánh sáng đường biên, Tổ tự quản đường biên, Tiếng kẻng vùng biên,... mang lại hiệu quả".
Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng và hành động, tạo cơ sở xây dựng thế trận lòng dân vững vàng, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa“./.
Theo Báo Long An Online
https://baolongan.vn/boi-duong-kien-thuc-quoc-phong-va-an-ninh-suc-manh-bao-ve-to-quoc-tu-som-tu-xa-a180152.html