
Hội nghị lấy ý kiến tổ chức dưới hình thức trực tuyến
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua báo cáo tổng thể dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL để các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cho ý kiến. Theo đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quy hoạch có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của vùng nói chung và 13 tỉnh trong vùng nói riêng. Đây là đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước, đã tập trung kế thừa hiện trạng phát triển của vùng ĐBSCL, tiếp cận hệ thống tư tưởng phát triển mới trên cơ sở đánh giá các tiềm năng lợi thế, nhận diện các thách thức của vùng và các tỉnh trong vùng.


Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Long An
Tầm nhìn ĐBSCL đến năm 2050, ĐBSCL là đồng bằng bền vững, đáng sống và làm việc và điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Theo dự thảo Quy hoạch, phát triển vùng ĐBSCL dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, môi trường và xã hội là nền tảng. Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên. Đặc biệt quan trọng là các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.

Phương hướng phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch
Thảo luận tại Hội nghị, các địa phương khu vực ĐBSCL nhất trí cao với dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời có nhiều ý kiến góp ý, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn chỉnh Quy hoạch.
Phó Thủ tướng - Lê Văn Thành nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng động lực đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu. Sau hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành ĐBSCL để tổng hợp, hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định./.
TH