Khái quát thực trạng, sau lũ lịch sử năm 2000, thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Để thực hiện nhu cầu san lắp mặt bằng cụm, tuyến dân cư trên, tỉnh cho chủ trương vừa khai thác hầm đất vừa làm thủ tục đối với các hầm đất. Tuy nhiên, sau khi thực hiện khai thác đất san lắp mặt bằng xong, các chủ đầu tư không chú trọng việc làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định dẫn đến tình trạng trong thời gian dài các hầm đất sau khai thác xong chưa được quản lý chặt chẽ, chưa khai thác sử dụng hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Thanh Cang làm việc với UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng các hầm đất đã khai thác xong trên địa bàn tỉnh
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Thanh Cang, qua thực tế khảo sát cho thấy, việc rà soát, phân loại hầm đất; chỉnh lý biến động đất đai; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn xung quanh khu vực hầm đất (xây dựng bờ bao, hàng rào, trồng cây xanh, đặt biển báo,…); thu hồi và quản lý, sử dụng các hầm đất đã khai thác xong, tiến độ vẫn còn chậm, có địa phương còn lúng túng trong thực hiện.
Hiện nay tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười có nhiều hầm đất chưa khai thác hết trữ lượng; một số nơi, giao hầm đất sau khi khai thác xong về UBND cấp xã quản lý, có thực hiện cho người dân thuê lại nhưng chủ yếu là khai thác thủy sản tự nhiên theo mùa, lấy nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, chưa cho thuê lại qua hình thức đấu giá; muốn đấu giá cho thuê dài hạn, sử dụng hiệu quả thì phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ mục tiêu sử dụng đất;…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh cho biết, các hầm đất đã khai thác xong phải thực hiện đóng cửa mỏ và bàn giao đất cho địa phương quản lý; sau đó tổ chức đấu giá đất mặt nước cho thuê để có nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thời gian gần đây, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các hầm đất phục vụ cụm tuyến dân cư vượt lũ kéo dài nhiều năm; riêng đối với các hầm đất còn trữ lượng khai thác thì UBND cấp huyện phải có phương án khai thác hết trữ lượng còn lại để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ mục tiêu sử dụng dụng đất các hầm đất, yêu cầu các địa phương phải thực hiện rà soát quy hoạch sử dụng đất, ký báo cáo, đề xuất gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; thẩm định, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đấu giá cho thuê đất để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vấn đề khó khăn của các địa phương là quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp nên UBND cấp huyện phải tập trung rà soát từng hầm đất đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch cục bộ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đấu giá để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về đất đai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.
Đồng thời, UBND tỉnh giữ quan điểm kiên quyết quản lý chặt chẽ đất công, không cho phép người dân khôi phục lại hiện trạng đất như ban đầu trước khi khai thác, việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, gây cản trở kế hoạch thực hiện đóng các hầm đất đã khai thác xong. UBND tỉnh thống nhất với ý kiến khi tổ chức đấu giá cho thuê, nên đưa điều kiện thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn xung quanh vào để ràng buộc đơn vị trúng đấu giá thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn sau này.
Kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Thanh Cang yêu cầu các vướng mắc, bất cập cụ thể UBND tỉnh cần chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, có xử lý thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, quản lý và sử dụng hiệu quả các hầm đất./.
Khả Tâm