
Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Nam Việt trao khánh vàng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tửu ở xã Phước Vân, huyện Cần Đước
Chặng đường 85 năm hình thành và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, từ chi bộ đầu tiên - Chi bộ Đức Hòa có 7 đảng viên; đến nay, Đảng bộ tỉnh Long An có gần 39.000 đảng viên, gồm 663 tổ chức cơ sở Đảng và 20 đảng bộ trực thuộc. Quá trình lãnh đạo xây dựng, đổi mới và phát triển tỉnh nhà của Đảng bộ Long An từ khi thống nhất đất nước và thành lập tỉnh luôn gắn với những dấu mốc lịch sử, được ghi nhận bằng những thành tựu quan trọng, đầy tự hào.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, cùng cả nước, Long An bắt tay vào xây dựng quê hương trong vô vàn khó khăn, thử thách. Hòa bình, thống nhất chưa được bao lâu thì nước nhà rơi vào tình trạng khủng hoảng KT-XH trầm trọng; kẻ thù tập trung bao vây, cấm vận, đồng thời phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc và Tây Nam Tổ quốc. Trong bối cảnh ấy, Long An là một trong những tỉnh phải đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tàn khốc, hứng chịu trận lũ lớn trong lịch sử làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật càng thấp kém hơn; lương thực và hàng tiêu dùng thiết yếu khan hiếm trầm trọng, những vấn đề bức xúc của xã hội nổi lên. Đáng lo ngại nhất là tình hình tư tưởng nội bộ diễn biến xấu, phức tạp, lòng tin của nhân dân đối với Đảng giảm sút nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, công tác xây dựng Đảng nói chung, đặc biệt là công tác tư tưởng, kiện toàn tổ chức Đảng, cấp ủy các cấp trở nên bức bách, có ý nghĩa quyết định đối với Đảng bộ. Để tập trung thực hiện tốt công tác này, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo địa phương triển khai những quyết sách chính trị đầy năng nỗ, sáng tạo làm chuyển biến nhất định trong phát triển kinh tế, từng bước giữ ổn định trên các lĩnh vực đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Góp phần hình thành những đường nét cho công cuộc đổi mới của đất nước, tỉnh đã mạnh dạn khởi đầu từ Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh được ban hành vào ngày 27-6-1980. Chủ trương của Nghị quyết đã giúp tỉnh từng bước phục hồi nền kinh tế, sản xuất có sự tăng trưởng rõ rệt, đời sống nhân dân được ổn định và có chiều hướng dần được cải thiện. Việc huy động nguồn hàng vào sự điều phối của Nhà nước tăng lên khá nhiều; nhờ đó, tỉnh đã thực hiện vượt mức nghĩa vụ đóng góp với Trung ương về lương thực, nông sản, thực phẩm,... Thực tiễn đã chứng minh chủ trương cải tiến phân phối lưu thông (giá - lương - tiền) của Đảng bộ tỉnh là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế, với quy luật kinh tế khách quan, thỏa lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và người dân. Từ khó khăn, Long An đã vươn lên và là một trong ít địa phương đi đầu trong đổi mới kinh tế.
Năm 1986, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI – Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Long An tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Đại hội Đảng bộ tỉnh đã quán triệt quan điểm đổi mới toàn diện, từ suy nghĩ đến cách làm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống người dân; kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Ngoài những thành quả to lớn từ chỉ đạo nhất quán trên, thành tích rất đỗi tự hào nữa là chủ trương khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười. Tỉnh tổ chức khai hoang, đưa vào sử dụng 50 ngàn hécta đất trồng lúa, tiếp nhận 26 ngàn hộ với 51 ngàn nhân khẩu từ các nơi trong và ngoài tỉnh đến sản xuất, định cư, lập nghiệp; thành lập thêm 18 xã và 1 huyện mới. Qua đó, tăng diện tích và sản lượng lúa, đồng thời điều chỉnh, phân bổ dân cư, góp phần cải thiện đời sống nhân dân ở các vùng căn cứ cách mạng. Việc làm này còn mang ý nghĩa quốc phòng-an ninh to lớn, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh nhân dân trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Năm 2000, Đại hội lần thứ VII Đảng bộ tỉnh diễn ra trong bối cảnh toàn tỉnh đang ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử. Với tinh thần đổi mới, Đại hội đã phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân của những việc làm được, nhất là những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm. Ở Đại hội này, Đảng bộ tỉnh xác định 4 chương trình trọng điểm về kinh tế-xã hội, đó là: Chương trình dân sinh vùng lũ; Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; Đào tạo, phát huy nguồn nhân lực. Đó là những chủ trương mang tính đột phá; qua đó, một lần nữa thể hiện tư duy năng động, sáng tạo của Đảng bộ Long An. Kế thừa và phát huy những thành tựu trước đó, từ Đại hội VIII đến nay, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra và thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm với những chủ trương đúng đắn, sát thực tiễn và hướng tới yêu cầu của sự phát triển; hiệu quả các chương trình, công trình đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, tạo tác động làm chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Chặng đường gần 30 năm đổi mới đất nước mà trước đó là những năm đột phá trong đổi mới đã ghi dấu ấn của nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị. Đó là kết quả của mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục qua các năm; thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh, đến nay đạt 44,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,99% (cuối năm 2014); lĩnh vực giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, chính sách xã hội ngày càng nâng lên về chất và lượng; công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giữ vững ổn định; hoạt động đối ngoại của Đảng, chính quyền và nhân dân được mở rộng; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ được quan tâm đổi mới, đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt.
Từ thực tiễn sinh động và những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử qua gần 30 năm đổi mới; mặc dù còn không ít hạn chế và những khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta có quyền khẳng định rằng, Đảng bộ Long An đã hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo xây dựng, đổi mới và phát triển tỉnh nhà. Đảng bộ đã đúc kết bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, đó là không ngừng rèn luyện, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng bộ; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng và gắn bó "máu thịt" với nhân dân. Đó là điều kiện, cơ sở có tính quyết định để Đảng bộ Long An giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết, thống nhất, phát huy tư duy sáng tạo, năng lực cùng những kinh nghiệm quý báu tiếp tục lãnh đạo toàn dân, toàn quân tỉnh nhà thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mừng Đảng quang vinh tròn 85 tuổi, mừng Xuân mới Ất Mùi 2015, từ những chủ trương đúng đắn cùng với những giải pháp hữu hiệu, khả thi; tin chắc rằng, Đảng bộ Long An sẽ góp phần làm nên nhiều mùa Xuân hạnh phúc cho đất nước và dân tộc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Nam Việt